Đang tải dữ liệu ...
TP - Năm 2001, Cty TNHH Hưng nghiệp Formosa thuê hơn 200 ha đất tại KCN Nhơn Trạch 3 (xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) thành lập một phân khu KCN. Hàng ngàn hộ dân ở đây nhiều năm qua phản ánh với chính quyền, các ngành chức năng về tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Một góc Nhà máy nhiệt điện Formosa tại huyện Nhơn Trạch.
Một góc Nhà máy nhiệt điện Formosa tại huyện Nhơn Trạch.

Ngoài  nhà máy sợi, dệt nhuộm, Cty này còn xây dựng một nhà máy nhiệt điện vận hành nguyên liệu than đá để tự cung cấp điện sản xuất. Ngoài ra, Formosa còn xây dựng hạ tầng cho các công ty bên ngoài vào đầu tư, trong số đó có  Cty Chin Well Fastenrs đang bị các cơ quan chức năng điều tra về hành vi  vi phạm về bảo vệ môi trường.

Ô nhiễm nguồn nước

Khu vực ấp 5 xã Hiệp Phước nằm cách khu hàng rào KCN Formosa vài trăm mét. Hàng ngàn hộ dân ở đây nhiều năm qua phản ánh nhiều với chính quyền, các ngành chức năng về tình trạng ô nhiễm nguồn nước. 

Mở vòi nước được bơm lên từ giếng khoan trong vườn nhà, chị Phạm Thị Nhung cho hay: “Nước thì nhiều, nhưng hôi lắm”. Trước đây gia đình chị Nhung dùng nước giếng đào, nhưng rồi nước ô nhiễm phải khoan giếng. Rồi giếng khoan cũng ô nhiễm gia đình chị Nhung khoan giếng sâu hơn và phải dùng bơm hỏa tiễn mới đưa được nước lên. Thế nhưng, dù giếng sâu hàng chục mét nước vẫn ô nhiễm, gia đình chị phải mua nước bình về uống.

 Chị Nguyễn Thị Hòa cho biết: “Gia đình tôi ở đây từ hàng chục năm nay, nguồn nước giếng  luôn mát ngọt, nhưng từ khi có Cty Formosa đến thì vài năm sau nguồn nước giếng có mùi hôi không ai còn dám sử dụng”.

 Để sử dụng được nguồn nước ngầm, chị Lê Thị Lương phải đầu tư thêm một hệ thống lọc nước  giếng. Chị Lương cho hay: “Tắm nước giếng ngứa lắm, người ta bày cách mua máy lọc để xử lý, dùng vậy chứ không biết có an toàn hay không”.

Chỉ hàng chục cây cau trong vườn đã chết rụi đọt, chỉ còn trơ thân cây trụi lũi, anh Lê Bá Thành  buồn rầu: “Cau mười mấy năm tuổi rồi, nhưng chết sạch do ô nhiễm nước. Nhiều nhà khác cũng vậy”.  Ông Lê Minh Cường một nông dân sống hơn 50 năm ở xã Hiệp Phước, nói: “Dần dần không còn cây gì sống nổi, không trồng trọt được gì khi khói Formosa xả mù trời như vậy”.

Có nhà bên cạnh cống Lò Rèn ở xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch nơi dẫn nguồn nước thải của nhà máy xử lý nước thải Formosa ra môi trường, ông Huỳnh Văn Hòa cho biết, ngày trước đây là con mương thu  nguồn nước tự nhiên trong khu vực, sau đó Formosa xả thải vào đây rồi dẫn ra sông Gò Dầu. Chỉ vào mặt nước có màu vàng cợt, ông Hòa cho hay: “Mỗi khi trời mưa và nhất là thêm vào thời điểm buổi tối nước trong nhà máy xả ra ào ạt đen thui”. 

Dân Đồng Nai kêu khổ vì Formosa xả thải - ảnh 1
Chị Phạm Thị Nhung phản ánh giếng nước bị ô nhiễm.

Dân chưa được dùng nước máy

Ông Võ Tái Hưng - Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Phước cho biết: Đa phần người dân xã Hiệp Phước là người nhập cư, họ là công nhân sống trong các khu nhà trọ. Hiện nay họ đang đối mặt với nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, do ảnh hưởng từ Cty Hưng Nghiệp Formosa Nhơn Trạch. 

Những hộ dân ấp 4, ấp 5, xã Hiệp Phước cách phân khu của Formosa Nhơn Trạch chỉ vài trăm mét đang bị ô nhiễm nguồn nước ngầm. Nhưng đến nay nhiều hộ dân vẫn chưa được sử dụng nước máy, mà vẫn phải sử dụng nước giếng khoan và mua nước bình về để ăn uống, sinh hoạt. Một lãnh đạo xã này cho hay, cuộc tiếp xúc cử tri nào người dân cũng đem chuyện ô nhiễm môi trường ra phản ánh, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết.

Mới đây Cty Formosa đầu tư đường ống cung cấp nước sạch cho các hộ dân ở xã Hiệp Phước. Tuy nhiên, theo người dân thì nhiều khu vực dân cư chưa có nước máy sử dụng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

DMCA.com Protection Status